Trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì đang tăng nhanh ở các thành phố lớn kèm theo việc các bé phải đối mặt với các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư và các yếu tố tâm lý do mặc cảm, tự ti.


Theo khảo sát Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học, để con tăng cân, khoảng 32% các bà mẹ đã ép con ăn váng sữa.

Trẻ béo phì ở các đô thị đang tăng “đột biến”

“Khoảng 30% bà mẹ có con thừa cân không biết rằng con mình đang ở trong tình trạng này và 15% bà mẹ vẫn mong muốn con mình tăng cân. Hầu hết các bà mẹ đều sử dụng thực phẩm giàu chất béo nhằm mục đích tăng cân cho trẻ”. Đó là chia sẻ của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Viện Nghiên cứu Y Xã hội học - ISMS tại hội thảo “Thực trạng dinh dưỡng trẻ em đô thị Việt Nam” ngày 25/9 qua.

Theo đó, tỷ lệ thừa cân béo phì đang tăng nhanh và mạnh mẽ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Đây là nơi mức sống bình quân cao nên tỷ lệ này đang tăng “đột biến” với 86.000 trẻ trên tổng số 300.000 trẻ trên cả nước. Dẫn đầu trong số đó là TP HCM với tỷ lệ hơn 10%, Đà Nẵng 9,9 và Hà Nội với 5%.

Trước hết, các bé bị béo phì sẽ cảm thấy nặng nề về thể chất, khó có thể theo kịp các bạn trong các hoạt động học tập, vui chơi. Về lâu dài, các bé dễ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây nêu trên cao hơn người khác rất nhiều. Người trưởng thành vốn đã có ý thức đầy đủ thì việc chữa thừa cân béo phì đã khó thì việc này càng khó hơn đối với trẻ nhỏ vì các bé vốn đang ở tuổi ăn, tuổi lớn trong khi bố mẹ luôn có tâm lý chiều con. Vì vậy, điều cần thiết là không nên để trẻ béo phì rồi mới chữa mà phụ huynh cần biết cách phòng chống béo phì từ chính khẩu phần ăn hàng ngày của bé.

Trẻ ăn quá nhiều chất béo mà không biết


Một hộp váng sữa nguyên chất, chất béo chiếm đến trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần.

Nguyên nhân của tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ xuất phát từ tâm lý “con to mới khỏe” của các phụ huynh. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Viện ISMS cho biết: “Tuy các bà mẹ biết rõ nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính nhưng vẫn lựa chọn thực phẩm giàu chất béo vì tin rằng các thực phẩm này giúp trẻ tăng cân và tăng chiều cao”.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em có xu hướng giảm ăn giảm nhóm chất bột - đường, tăng đạm và đặc biệt là chất béo. Trong đó, chất béo từ những thực phẩm chế biến sẵn trong bữa ăn phụ chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt như váng sữa, gà rán… Cũng theo khảo sát Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học, để con tăng cân, khoảng 32% các bà mẹ ép con ăn váng sữa.

Các chuyên gia nghiên cứu đã chia sẻ, một hộp váng sữa nguyên chất, chất béo chiếm đến trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần. Vì vậy, nếu lạm dụng váng sữa để nuôi con, vô tình cha mẹ đã cung cấp lượng chất béo quá nhiều mà không biết, dễ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ.

Hiện nay, các chương trình dinh dưỡng quốc gia cũng như các tổ chức về sức khỏe trên thế giới thường chú trọng cho công tác giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, chưa chú ý nhiều vào công tác phòng chống béo phì, trong khi việc phòng chống béo phì ở trẻ rất khó khăn. Vì thế, để trẻ nhỏ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ, phụ huynh cần có ý thức hơn việc chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe với chế độ dinh dưỡng cân bằng và chế độ vận động thể chất lành mạnh cho con.


Bài viết khác cùng Box :