Nụ tầm xuân

“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!

“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

“Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”



Giai thoại kể rằng chúa Trịnh muốn bắt họ Nguyễn phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương và đòi Sãi Vương phải cho con vào chầu, đồng thời phải nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền làm lễ vật cống nạp nhà Minh. Chúa Sãi không chịu, nhưng chưa biết phải xử trí ra sao, bèn hội họp triều thần tìm kế sách. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

Khi thời cơ thuận lợi, Lộc Khê hầu mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử Lại Văn Khuông làm sứ giả mang ra Thăng Long, tạ ơn vua Lê và chúa Trịnh.

Khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Văn Khuông ứng đối rất trôi chảy. Chúa Trịnh mới hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn sứ giả đi thăm kinh thành, để chờ Chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Đọc xong, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn sứ giả đột ngột trốn về, chúa Trịnh sinh nghi, bèn cho người đập vỡ mâm lễ, lại thấy tờ sắc phong khi trước, và 1 tờ giấy viết bốn câu thơ chữ Hán sau:

“Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.”


Khi xem qua 4 câu thơ trên, chẳng ai hiểu ý bài thơ nói gì, cuối cùng Trịnh Tráng phải mời một nhà nho tới để giải nghĩa. Nhà nho giải nghĩa rằng:

Mâu nhi vô dịch nghĩa là chữ Mâu không có dấu phẩy là chữ ;
Mịch phi kiến tích nghĩa là chữ Mịch bỏ bớt chữ Kiến còn lại là chữ Bất;
Ái lạc tâm trường nghĩa là chữ Ái để mất (lạc) chữ Tâm thì thành chữ Thụ; và
Lực lai tương địch nghĩa là chữ Lực đối địch (tương địch) với chữ Lai là chữ Sắc.

Như vậy 4 câu thơ trên có nghĩa là: “Dư Bất Thụ Sắc”, nghĩa là “Ta không nhận sắc phong.”

Nghe xong, Trịnh Tráng vội đuổi bắt Lại Văn Khuông, nhưng lúc đó Khuông cùng cả phái đoàn đã cao chạy xa bay.

Trịnh Tráng muốn ra quân đánh chúa Nguyễn nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc giã nổi lên, đành phải hoãn lại.

Trịnh Tráng cho người dò la biết được việc Sãi Vương không nhận sắc phong đều do một tay Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra. Chúa Trịnh tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn về với triều đình vua Lê và chúa Trịnh.

Chúa Trịnh lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!”


Ý thơ nói đến chuyện chúa Trịnh và Đào Duy Từ có những kỷ niệm thời thuở nhỏ, lời nhắn nghĩa tình. Đào tiên sinh theo phò chúa Nguyễn, chúa Trịnh lấy làm tiếc nuối. Sau khi xem thơ xong, Đào tiên sinh hồi âm với những lời trách cứ nhẹ nhàng trước sự thờ ơ của chúa Trịnh ngày trước:

“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”


Chúa Trịnh đọc thơ thấy ý thơ chưa dứt khoát, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.

Lần này, Đào tiên sinh mới viết nốt hai câu kết để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

“Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”


Giải nghĩa: Chồng đây có ý nói là chúa Nguyễn.

NVT & congluan.vn



Bài viết khác cùng Box :