Chùa Chúc Thọ


Ngôi chùa này ban đầu có tên là Chùa Chúc Đảo, nhưng sau đó đổi thành Chùa Chúc Thọ vì chữ Đảo tựa giống chữ Thọ, mà lại có ý nghĩa hơn. Chùa được dựng vào thế kỷ 19. Tuy chỉ là ngôi chùa nhỏ khiêm tốn, nhưng lại được người gần xa biết tới vì gắn liền với những giai thoại ly kỳ về một nhân vật có thật sống cách nay mấy trăm năm – ông Thủ Huồng.

Ngày xưa vào khoảng 1755, ở Gia Định, có một người tên là Thủ Huồng, làm Thư Lại trong nha môn, là một kẻ gian tham, nên sau mấy chục năm làm Thơ Lại, Thủ Huồng đã vơ vét nhiều tiền bạc và trở thành một trong những người giàu có nhất vùng. Sự giàu có bằng con đường bất chính ấy của ông ta, lại đã làm cho không ít gia đình phải điêu đứng, và tan nát. Có lẽ vì thế, Thủ Huồng đã bị trời phạt về mặt đời tư. Khi vợ của ông chết sớm, chẳng để lại một đứa con nào. Khi đã quá thừa thãi về của cải tiền bạc, Thủ Huồng xin nghỉ việc Thư Lại về nhà tậu ruộng vườn, sống đời trưởng giả.

Một lần nọ trong giấc mộng, ông thiếp đi và thấy mình xuống Diêm Vương, chứng kiến những cảnh tra tấn, dụng hình rất rùng rợn. Sau cái bàn xẻ thịt, là cả một kho gông, đặc biệt nó vừa to, vừa dài, làm bằng những thanh gỗ nặng như sắt.

Thủ Huồng lân la hỏi người cai ngục:

- “Cái gông này để làm gì?”

Người cai ngục:

- “Để chờ một thằng ác nghiệp xuống đây. Bao nhiêu cái gông ở đây đều có chủ cả. Cứ xem gông to hay nhỏ thì biết tội ác của nó.”

Thủ Huồng lại hỏi:

- “Thế cái thằng đeo cái gông vừa to, vừa dài kia là ai?”

Người cai ngục thủng thỉnh giở một cuốn sách vừa to, vừa dày, chỉ vào một hàng chữ và đọc: Nó là Võ Thủ Hoằng, tức Thủ Huồng.

Nghe đến tên mình, Thủ Huồn bủn rủn chân tay, mồ hôi vã ra như tắm.

Thủ Huồng hỏi:

- “Có cách gì thay đổi được không?”

Người cai ngục đáp:

- “Đã vay thì phải trả. Nếu hắn muốn thì phải đem của cải những thứ mà hắn đã cướp được của người ta mà bố thí, cúng lễ cho hết đi. Và nó phải bỏ điều ác mà tu nhân tích đức.”

Khi tỉnh mộng, Thủ Huồng mới giác ngộ và bắt đầu sửa đổi con người của mình. Ông bắt đầu làm phước và xây Chùa Chúc Đảo, bố thí tất cả các nơi, và làm những việc nghĩa. Điển hình là ông tạo ra địa danh Nhà Bè.

Thưở ấy, miền Đồng Nai Gia Định còn rất hoang sơ:

Dưới sông sấu lội.
Trên bờ cọp vây.


Vùng này đầm lầy nước mặn, không có ruộng, không có nước ngọt, lên bờ lấy củi thì sợ sấu ngoặm, cọp vồ. Thấy sự khốn khó của dân, Thủ Huồng đã cho người lấy tre kết thành một mảng bè lớn, neo gần ngã ba sông, phía trên làm nhà lợp mái, trong nhà để sẵn gạo, muối, nước ngọt, củi, để ai cần đều có thể sử dụng hết. Cứ hết thứ nào thì ông lại cho ghe chở ra tiếp tế.

Chuyện ông Thủ Huồng làm bè tre cất nhà còn được ghi trong cuốn sách cổ:

Phú Hộ là ông Thủ Hoằng,
Thương người khổ não lăng xăng trăm bề.
Bó tre lên cất Nhà Bè,
Sắp đồ thập vật ê hề làm ơn.
Để mà tế cấp hành nhơn,
Chẳng thèm tính thiệt so hơn lằng xằng.
Dân bèn bắt chước Thủ Hoằng,
Nhà Bè sắm sửa giăng giăng chất đều.
Nhóm lên chợ nước dập dều.
Nay còn để tiếng tục kêu Nhà Bè.


Hằng trăm năm trôi qua, ngôi nhà làm phúc của Thủ Huồng không còn nữa, nhưng cái tên Nhà Bè thì đã ở lại với cư dân Nam Bộ nói chung, và miền đất Đồng Nai Gia Định nói riêng.

Sau một thời gian làm lành lánh ác, bố thí cho người nghèo, dựng Nhà Bè trên sông vắng, một đêm kia ông lại nằm mộng, thấy mình trở lại thăm chốn cũ: Thủ Huồng xuống Diêm Vương mới hỏi cái giây xích lòi tói trước kia đâu rồi. Diêm Vương mới trả lời rằng Thủ Huồng đã xây Chùa Chúc Thọ, và đã làm nhiều chuyện phúc đức trên thế gian, nên không còn giây xích lòi tói đó nữa.

Khi tỉnh giậy, ông đem tất cả gia sản phân phát cho người nghèo. Đồng thời, ông dựng trên đất Cù Lao Phố một ngôi chùa, rồi lánh mình vào đó, xuất gia thờ Phật. Ngày nay gọi là Chùa Chúc Thọ.

Nhân gian còn nhắc tới câu chuyện ông được đầu thai vào địa vị cực kỳ cao quý. Nhân gian đồn rằng: Khi Vua Đạo Quang (1782-1850) của Nhà Thanh bên Tàu mới chào đời, người ta phát hiện trên bàn tay của ngài có một chữ viết, nhưng họ chỉ đọc được chữ “Thủ” là chữ Hán, còn bàn tay kia thì không đọc được. Nên vẫn còn là một dấu hỏi tồn tại nhiều năm…

Đến khi Vua Đạo Quang lên ngôi, có sai sứ giả sang bang giao với nước ta. Thấy dân bản xứ tuy cũng dùng chữ Hán, nhưng lại có một chữ “quen quen”. Khi hỏi mới biết là chữ Nôm, lại gợi chuyện hỏi về cái chữ nghi án còn nằm trong lòng bàn tay của Thiên Tử, mới biết đó là chữ “Huồng” của người Nước Nam.

Sứ giả cho người điều tra mới biết có người ờ Cù Lao Phố, miền Lộc Giả, trấn biên của nước sở tại, có một người tên là Thủ Huồn, trước là một tài phiệt, sau này ông tu thân tích đức, dựng chùa đi tu. Tuy ông chết đã lâu, nhưng hiện vẫn còn ngôi chùa mang tên ông, ở nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Sứ giả về tâu lại, Vua Đạo Quang mới biết rằng tiền kiếp của mình vốn là ông Thủ Huồng nào đó ở An Nam quốc. Vua Đạo Quang bèn sai thợ chế tác 3 tượng “Phật Tam Thế” bằng gỗ trầm hương, chở sang Cù Lao Phố, dâng cúng ngôi chùa có duyên nợ với vận mệnh của mình. Ba bức tượng Phật tương truyền của vua Nhà Thanh dâng cúng hiện vẫn còn được lưu giữ tại Chùa Chúc Thọ, sau lưng Đại Giác Cổ Tự, thuộc Ấp Nhị Bình, Xã Hiệp Hòa, Thành Phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Ngày nay một ngôi chùa ở Biên Hòa, còn mang tên là Chùa Thủ Huồng, chỗ ngã ba sông Đồng Nai Gia Định, còn gọi là sông Nhà Bè, để kỷ niệm lòng tốt của Thủ Huồng đối với khách bộ hành Nam Bắc qua con sông đó. Nhân gian có câu tục ngữ:

Nhà Bè nước chảy phân hai.
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.





Ghi chú:

Thủ Huồng tên thật là Võ Hữu Hoằng, nhưng nhân gian đọc trại Hữu thành Thủ, Hoằng thành Huồng, nên tên thật bị biến thành Võ Thủ Huồng, gọi tắt là Thủ Huồng, có nơi ghi là Thủ Huồn, Thủ Hoằng, Võ Thủ Hoằng.

Nguồn: Wikipedia tiếng Việt, và Audio

Bài viết khác cùng Box :