Bà bầu bị nhiễm độc thai nghén có sao không. Nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý đặc biệt ở người phụ nữ khi có thai mà các triệu chứng bệnh lý này chỉ xuất hiện vào những tháng đầu và những tháng cuối cùng của thai kỳ. Danh từ “nhiễm độc thai nghén” xuất phát từ quan niệm đơn giản là khi có thai, chính phôi thai và nhau phát triển trong tử cung đã “gây độc” cho người mẹ.

Bà bầu bị nhiễm độc thai nghén có sao không?

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý diễn ra trong thời gian mang thai, thường xảy ra vào tuần mang thai thứ 21 và hay xuất hiện ở người chửa con so, đa thai hoặc đa ối.

Nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý có thể gây những biến chứng nguy hiểm, gây ra sảy thai, sinh non hay tiền sản giật, sản giật. Nhiễm độc thai nghén có thể gây co thắt mạch máu toàn thân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp ôxy và dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thai nhi chậm phát triển trong tử cung, thai nhi yếu nếu nhẹ hoặc thai nhi chết trong tử cung nếu sản giật không được xử trí kịp thời.

Những thai phụ có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thai phụ to béo, mang thai đôi, nhiều nước ối, có bệnh tiểu đường… thường dễ gặp nhất. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thai nghén vẫn chưa xác định rõ. Có thể là do cơ thể người phụ nữ mang thai không chịu nổi gánh nặng của thai nghén nên cản trở các hoạt động chức năng, dẫn đến biến chứng. Kể từ khi bắt đầu mang thai, bà mẹ phải khám và kiểm tra thường xuyên, sớm phát hiện bất thường để chữa trị kịp thời.

Những dấu hiệu nhiễm độc thai nghén

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một triệu chứng cũng hay thường gặp trong nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ. Thai phụ được cho là tăng huyết áp khi huyết áp lên đến 140/90mmHg .

Tuỳ theo mức độ nhiễm độc, có người chỉ bị một trong 3 triệu chứng kể trên, có người vừa bị phù vừa có chất protein trong nước tiểu, có người lại có cả 3 triệu chứng vừa kể trên.

Thai phụ nếu phát hiện được các triệu chứng ấy thì thường cũng có các triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu … gọi là hội chứng “tiền sản giật”. Đây là một hội chứng trầm trọng của nhiễm độc thai nghén, rất dễ dàng đưa đến cơn sản giật, rất nguy hiểm đối với tính mạng của mẹ và con.

Phù

Hiện tượng này thường xuất hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Biểu hiện trên da làm căng da, to ra, dùng tay ấn vào thấy lõm.
Để phân biệt phù do nhiễm độc thai nghén, thai phụ cần chú ý: Nếu ngủ gác chân lên cao sau một đêm, hiện tượng phù chân biến mất thì nguyên nhân là do thai lớn chèn ép các tĩnh mạch, một điều khá thường gặp. Còn ngược lại, nếu thực hiện điều trên, sau một đêm nghỉ ngơi mà hiện tượng phù vẫn còn thì có thể đó là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén.

Đi đôi với hiện tượng phù, thai phụ còn tiểu ít. Lượng nước tiểu ngày càng giảm đi so với trước. Phù càng to, càng nhiều thì đi tiểu càng ít. Tình trạng phù này không chỉ biểu hiện ở dưới da mà còn phụ thuộc vào các phủ tạng bên trong cơ thể. Vì vậy, thai phụ có thể sẽ cảm thấy nhức đầu, mờ mắt…

Xuất hiện protein trong nước tiểu

Nước tiểu của phụ nữ bình thường và thai phụ thường không có chất protein (hay albumine). Khi bị nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ, chất này hiện diện trong nước tiểu. Chất protein có trong nước tiểu càng nhiều thì tình trạng nhiễm độc thai nghén càng trầm trọng.

Ốm nghén

Sau khi có thai, nhiều chị em thấy xuất hiện các triệu chứng ốm nghén. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn. Đó chính là hiện tượng nhiễm độc thai nghén nhẹ ở 3 tháng đầu thai kỳ. Nó bắt đầu từ khi có thai khoảng gần 1 tháng và thường kéo dài đến 3 tháng. Sau đó, các triệu chứng ốm nghén giảm dần rồi mất hẳn, thai phụ trở lại tình trạng bình thường. Tình trạng thai nghén có khả năng làm cho người phụ nữ hơi gầy sút đi nhưng không bị gầy yếu nặng.

Ngược lại, tình trạng nhiễm độc thai nghén nặng ở 3 tháng đầu thai kỳ diễn biến khác hẳn. Lúc đầu, thai phụ cũng có triệu chứng của nhiễm độc nhẹ nhưng thường sớm hơn.

Tăng cân nhanh

Ngoài việc bị phù chân ra, thai phụ bị nhiễm độc thai nghén còn thường có hiện tượng tăng cân rất nhanh. Một tuần bà bầu có thể tăng tới 500gr. Nguyên nhân là do cơ thể bị giữ nước. Khi phát hiện những dấu hiện trên, nhân viên y tế sẽ giúp thai phụ xét nghiệm đạm niệu để chẩn đoán chính xác. Nếu kết quả cho thấy nồng độ đạm niệu lớn hơn 0,3g/lít, thai phụ sẽ được theo dõi nhiễm độc thai nghén thật cẩn thận để tránh được nguy hiểm.

Biến chứng của nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến tiền sản giật và sản giật.

– Tiền sản giật: Biểu hiện sản phụ choáng váng, có hiện tượng mắt mờ, có khi buồn nôn, nước tiểu có protein tăng đến 0,5g/l, phù không giảm mà nặng hơn và nước tiểu ít hơn nhưng chưa có cơn giật, nếu huyết áp trên 160/100mmHg mà điều trị không giảm phải xử trí lấy thai ra ngay nếu không có thể dẫn đến cơn sản giật.

– Sản giật: Thường xảy ra ở thời kỳ cuối của thai nghén, trong khi chuyển dạ và sau đẻ. Sản phụ lên cơn giật và hôn mê, có kèm theo phù, tăng huyết áp, protein niệu. Thường xảy ra ở thai phụ mang thai con so nhiều hơn con rạ, và thường xảy ra từ tuần thứ 30 trở đi.

– Biểu hiện của sản giật: Là co giật mạnh, mắt đảo rồi giật toàn cơ thể co cứng, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trên, rồi ngừng thở và chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân, có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển thành xám xịt trông dễ sợ, sau đó co giật giảm dần, tiếp đó sản phụ bị hôn mê rồi thở rống lên. Mạch nhanh, cơn co tăng lên khi giật, những cơn giật khác tiếp theo. Nếu không được xử trí thì dẫn đến suy tim, phù phổi và chảy máu não dẫn đến tử vong.

– Đối với sản giật trước đẻ: Những cơn giật có thể dẫn đến đẻ non, thai nhi thường chết. Nếu được điều trị tốt sản phụ có thể chuyển dạ đẻ thường và thai nhi sống.

– Đối với sản giật trong khi chuyển dạ: Cơn giật làm cơn co tử cung mạnh, vì vậy đối với sản phụ có cổ tử cung mở chậm phải xử trí mổ lấy thai ngay.

– Sản giật sau đẻ: Thường nhẹ hơn, cơn giật thường xảy ra vài giờ sau đẻ. Vì vậy đối với sản phụ sinh tại trạm y tế có cơn giật cần phải theo dõi từng cơn giật, đo huyết áp và thử nước tiểu thường xuyên và cần phải cấp cứu nhanh chóng, đồng thời chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị.

– Đề phòng sản giật: Cần theo dõi, quản lý thai nghén tốt. Trong khi có thai cần chú ý ăn đủ chất dinh dưỡng một cách hợp lý (đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axid folic…).

Bạn cần chú ý đi khám thai định kỳ, nếu thấy phù cần đi khám thai ngay dù chưa đến hẹn để kiểm tra huyết áp cũng như xét nghiệm nước tiểu. Nếu tại trạm y tế phát hiện sản phụ có phù, tăng huyết áp, protein niệu phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị và sinh đẻ cho an toàn.


Bài viết khác cùng Box :