BỆNH NHÂN CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI ĐI KHÁM BỆNH?

Trong điều kiện số lượng bệnh nhân đông tại phòng khám của các bệnh viện và để việc khám bệnh thuận lợi, người bệnh cần mang đầy đủ giấy tờ cùng những vật dụng cần thiết khi đi khám bệnh. Do đó trong bài viết này, BS Lê Thị Phương Nga – Nguyên Trưởng khoa Lão Bệnh viện Nguyễn Trãi sẽ gợi ý những điều bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi đi khám bệnh.



Cần chuẩn bị gì khi đi khám bệnh?

Thăm khám là quá trình trao đổi hai chiều giữa bác sĩ với bệnh nhân, giúp việc thăm khám cũng như điều trị diễn ra thuận lợi. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh nhân một số thông tin cá nhân và tình trạng mà bệnh nhân đang gặp phải để có cơ sở chẩn đoán cũng như đưa ra phương pháp điều trị hợp lý.

Khi đến cơ sở khám chữa bệnh, việc đầu tiên bệnh nhân cần nhớ là luôn phải mang theo BHYT hợp lệ. Nếu trường hợp thẻ BHYT không có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT cùng với một loại giấy tờ có ảnh hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền cấp như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ học sinh, thẻ sinh viên,...

Ngoài ra người bệnh cần chuẩn bị và mang theo các loại giấy tờ sau đây:

Sổ khám bệnh (còn gọi là sổ y bạ): Bác sĩ sẽ ghi nhận thông tin tiền sử bệnh, tình trạng dị ứng và những loại thuốc mà bệnh nhân đã và đang sử dụng.
Giấy xuất viện (nếu có).
Toa thuốc đang uống: Đây là một trong những giấy tờ quan trọng mà người bệnh cần mang theo. Vì có những triệu chứng xảy ra do tác dụng phụ của thuốc đang dùng. Nếu có khi kê đơn thuốc mới bác sĩ sẽ điều chỉnh (ngưng hoạc giảm liều thuốc), ngoài ra khi cho thuốc mới bác sĩ sẽ cho thuốc hợp lý, an toàn ( tránh các thuốc tương tác có hại với thuốc đang dùng)
Người bệnh cần phải cho bác sĩ biết được tất cả loại thuốc mà mình đang dùng (tự mua uống) ngay cả thực phẩm chức năng.
Mang theo các kết quả xét nghiệm, X-quang, siêu âm,... mà người bệnh đã thực hiện gần nhất (trong vòng 3 tháng – 1 năm).
Giấy hoặc sổ tay ghi lại các triệu chứng gặp khi ở nhà hoặc mới xuất hiện ( đề phòng trường hợp khi đến khám lại không nhớ).
Sổ ghi kết quả theo dõi đường huyết ở nhà (đối với bệnh nhân bị đái tháo đường), trị số huyết áp.
Mang theo sổ ghi chú những điều cần hỏi bác sĩ, vì ở phòng khám bệnh nhân rất đông. Do đó, bệnh nhân cần phải ghi chú lại những thắc mắc muốn hỏi bác sĩ để tiết kiệm thời gian. Ưu tiên đặc biệt những câu hỏi quan trọng.
Tuy nhiên, khi phòng khám vắng thì bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ nhiều hơn nhưng thực tế phòng khám ở các bệnh viện thường đông nên cần những câu hỏi có nội dung ngắn gọn.

Đối với bệnh nhân lớn tuổi thì khi đi khám nên có người thân đi cùng để có thể trao đổi với bác sĩ rõ hơn về tình trạng bệnh và ghi nhớ những dặn dò về việc sử dụng thuốc, cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng,...
Khi khám bệnh, người bệnh nên lưu ý những gì?

Khi khám bệnh, người bệnh cần làm theo yêu cầu của các bác sĩ, kể rõ những triệu chứng, tiền sử của mình, tiền sử của gia đình và đã tiêm chủng những bệnh gì. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Nếu chưa rõ thủ tục làm xét nghiệm, người bệnh có thể hỏi nhân viên y tế để được hướng dẫn cụ thể.

Người bệnh cần nói đúng sự thật về sự tuân thủ dùng thuốc của mình (dùng thuốc không đều, ngưng dùng thuốc một thời gian, tự ý tăng giảm liều thuốc,...), sự tiết chế ăn uống ( của bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…), thay đổi lối sống (tập thể dục, ngưng thuốc lá, hạn chế bia rượu…), không ngại bác sĩ đánh giá về mình vì kết quả điều trị tùy thuộc vào sự tuân thủ này. Người bệnh nói càng chính xác thì bác sĩ sẽ đánh giá tốt hơn về vấn đề đáp ứng điều trị và điều chỉnh thuốc hợp lý.

Đối với trường hợp bệnh nhân tái khám, người bệnh cần nói với bác sĩ những triệu chứng bất thường khi dùng thuốc.

Lưu ý khi đi khám bệnh:

Người bệnh nên mặc những bộ trang phục rộng, thoải mái để thuận tiện cho việc thăm khám của bác sĩ (nghe tim, phổi, khám bụng,...).
Có bìa chứa hồ sơ để tránh trường hợp mất sổ khám bệnh, đơn thuốc…
Mang bút, sổ để ghi lời dặn của bác sĩ.
Sau khi thăm khám người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của các bác sĩ như:

Uống thuốc đầy đủ, đúng lịch, không tự ý ngừng hay bỏ thuốc và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Nếu có bất thường trong quá trình điều trị cần thông báo ngay cho bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp.
Trên đây là một số thông tin để bệnh nhân chuẩn bị tốt khi đi khám bệnh do BS Lê Thị Phương Nga chia sẻ. Người bệnh nên tham khảo và nếu có thắc mắc hãy đặt ngay câu hỏi trên ứng dụng GlobeDr, các bác sĩ với trình độ cao sẽ giải đáp một cách chính xác và nhanh chóng.

BS Lê Thị Phương Nga – Nguyên Trưởng khoa Lão Bệnh viện Nguyễn Trãi

LINK TẢI APP ĐIỆN THOẠI: http://a.globedr.com/getapp


Bài viết khác cùng Box :