CHUYÊN ĐỀ: KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ

Sau quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, đến lúc “vượt cạn” các chị em sẽ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều nỗi đau mà không phải ai cũng có thể chịu được. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ mọi vấn đề để chào đón trẻ, các chị em cũng cần phải chuẩn bị tâm lý cũng như hiểu rõ về quá trình sinh sản của bản thân để có thể phối hợp tốt nhất với các bác sĩ sản khoa, giúp quá trình sinh sản diễn ra thuận lợi và an toàn. GlobeDr cung cấp cùng các bạn chuyên đề Khởi phát chuyển dạ được biên soạn bởi Bác sĩ Vương Đình Bảo Anh – Phó trưởng khoa Sản bệnh viện Từ Dũ. Cùng theo dõi với dạng câu hỏi và trả lời bên dưới nhé!



Hỏi: Khởi phát chuyển dạ là gì?

Trả lời: Là quá trình dùng thuốc hoặc thủ thuật để khởi động một chuyển dạ sanh ngả âm đạo. Quá trình này sẽ tạo nên những cơn gò tử cung và xóa mở cổ tử cung.

Hỏi: Khi nào sản phụ được cần được khởi phát chuyển dạ?

Trả lời: Chuyển dạ được cân nhắc cần được khởi phát khi việc kéo dài thai kỳ mang lại nguy cơ cho mẹ hoặc thai nhiều hơn là lợi ích. Các tình huống hay gặp:

- Tuổi thai quá 1 – 2 tuần so với ngày dự sanh (thai quá ngày).

- Ối vỡ nhưng sản phụ không vào chuyển dạ.

- Sản phụ có vấn đề sức khoẻ (đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý nội ngoại khoa khác,…) gây nguy cơ cao cho bản thân và thai.

- Trong trường hợp thai tăng trưởng chậm hoặc có bất thường về tim thai.

Hỏi: Các mốc thời gian quan trọng cần chú ý liên quan đến việc chuyển dạ tự nhiên trong một thai kỳ bình thường? Sản phụ được cung cấp thông tin và những sự lựa chọn về vấn đề này khi nào?

Trả lời: Hầu hết sản phụ sẽ vào chuyển dạ tự nhiên khoảng tuần 42. Tại thời điểm khám thai lúc 38 tuần, các sản phụ sẽ được tư vấn các nguy cơ của việc kéo dài thai kỳ quá 42 tuần, và các chọn lực tiếp theo bao gồm:

- Tách ối.

- KPCD lúc 41+0 – 42+0 tuần.

- Tiếp tục theo dõi chuyển dạ tự nhiên.

Hỏi: Lợi và hại gì của việc KPCD lúc thai 41+0 – 42+0 tuần?

Trả lời: Theo những nghiên cứu có bằng chứng mạnh trên thế giới, khởi phát chuyển dạ so với việc mong đợi chuyển dạ tự nhiên khi kết thúc tuần 41 tuần trở lên trên một thai kỳ bình thường có những khác biệt sau:

- Giảm tỉ lệ chết trẻ sơ sinh (khoảng 2/3 trường hợp)

- Giảm các trường hợp xảy ra hít nước ối phân su (khoảng ½ trường hợp)

- Giảm tỉ lệ mổ lấy thai (khoảng 1/10 số trường hợp)

(Theo nghiên cứu của Gulmezoglu và cs 2012 gồm 22 RCTs mẫu 9383 sản phụ)

Hỏi: Các phương pháp được sử dụng trong việc thực hiện khởi phát chuyển dạ? Việc thực hiện các phương pháp đó được tiến hành như thế nào?

Trả lời: Hiện có rất nhiều phương pháp được đề xuất, nhưng hiện tại có các phương pháp chính sau được xếp theo thứ tự từ phổ biến nhất đến ít phổ biến nhất (tại Việt Nam):

- Tách ối: nhân viên y tế sẽ dùng ngón tay đeo găng nhẹ nhàng tách túi ối với thành tử cung. Điều này sẽ giải phóng hoc-mon khởi động cơn gò tử cung. Quá trình này có thể thực hiện tại phòng khám thai và có thể gây cảm giác khó chịu. Sau thủ thuật, có thể xuất hiện co thắt bụng dưới và ra huyết

- Nong cơ học: một cách khác để khởi phát chuyển dạ, sử dụng bóng đặt trong cổ tử cung. Được thực hiện tại bệnh viện, nhân viên y tế sẽ đặt một ống nhỏ, qua ngả âm đạo, đưa vào trong cổ tử cung. Sau đó, nước được bơm vào làm phồng phần bóng ở cuối ống, điều này làm cổ tử cung được mở rộng.

- Thuốc (Oxytocin): gây co tử cung. Tại viện, sản phụ được truyền oxytocin qua tĩnh mạch trên tay. Liều oxytocin được nhân viên y tế tăng dần đến khi cơn gò tử cung đủ nhiều và đủ mạnh để theo dõi chuyển dạ.

- Hoc-mon: tại bệnh viện, nhân viên y tế sẽ cung cấp cho sản phụ (uống hoặc đặt âm đạo) hormone tên Prostaglandin với mục đích mở cổ tử cung và gây cơn gò tử cung.

Sau khi khởi phát, sản phụ sẽ vào chuyển dạ sau vài giờ, một số khác sẽ mất 1 – 2 ngày phụ thuộc vào tình trạng của cổ tử cung và phương pháp khởi phát.

Lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc rất nhiều yếu tố: tình trạng sản khoa, bệnh lý của mẹ, tuổi thai, tình trạng thai và cổ tử cung… Do vậy việc lựa chọn phương pháp nào là dựa trên đề xuất của nhân viên y tế sau khi cân nhắc các yếu tố trên và đồng thuận của sản phụ sau khi được tư vấn.

Hỏi: Lợi và hại gì của khởi phát chuyển dạ với sản phụ đơn thai có vết mổ cũ lấy thai?

Trả lời: Tỉ lệ khởi phát chuyển dạ thành công cao dao động từ 72-75%, đặc biệt cao hơn đến 85-90% nếu trước đây đã có lần sanh ngả âm đạo.

Tỉ lệ tai biến nứt vết mổ cũ cũng có ghi nhận, tuy nhiên thấp (khoảng 0,5% trong khi chuyển dạ tự nhiên xảy ra và 1% sau khi có khởi phát chuyển dạ). Do vậy, việc theo dõi và chỉ định theo dõi sanh ngả âm đạo trên vết mổ cũ chỉ nên được thực hiện tại những cơ sở y tế đủ chuyên môn và trang thiết bị hồi sức, phòng mổ.

Hỏi: Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nứt vết mổ hay các tai biến khác khi theo dõi sanh ngả âm đạo trên vết mổ cũ?

Trả lời: Một số yếu làm gia tăng nguy cơ xuất hiện tai biến mẹ/con khi theo dõi sanh ngả âm đạo trên vết mổ cũ:

- Đã nứt/ vỡ tử cung trước đây (nguy cơ tăng lên 5%)

- Có phẫu thuật trên tử cung trước đây (bóc nhân xơ, nội soi buồng tử cung…)

- Có kèm theo nhau tiền đạo

Hỏi: Lợi và hại gì khi khởi phát chuyển dạ trên sản phụ mà qua thăm khám nghi ngờ con to?

Trả lời: Dựa theo nghiên cứu mức độ chứng cứ mạnh nhất, khởi phát chuyển dạ và theo dõi diễn tiến tự nhiên trên sản phụ khi siêu âm ước lượng con >4000g không có khác biệt về khả năng phải mổ lấy thai, sanh thủ thuật và khả năng vào chuyển dạ thật sự. Kết cục cho mẹ và con cũng không có gì khác biệt.

Hỏi: Sau khi tiến hành, quá trình theo dõi sẽ diễn ra ở đâu và như thế nào? Làm sao biết chuyển dạ được khởi phát thành công?

Trả lời: Sau khi tiến hành khởi phát chuyển dạ, tim thai và hoạt động cơ tử cung sẽ được theo dõi một cách liên tục qua máy đo gắn trên bụng (monitor sản khoa) hoặc nghe tim thai (máy nghe Doppler) dựa vào phương cách khởi phát.

Cổ tử cung được đánh giá mỗi 6 – 24 giờ tuỳ trường hợp.

Quá trình này được theo dõi tại viện nhằm phát hiện kịp thời khi xảy ra biến chứng.

(Đối với tách ối, một số sản phụ vẫn được hướng dẫn theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ tại nhà và các dấu hiệu cần nhập viện).

Chuyển dạ được khởi phát thành công là khi xuất hiện cơn gò tử cung đều đặn, đủ mạnh, đủ nhiều làm cổ tử cung mở rộng và mỏng dần.

Hỏi: So với chuyển dạ tự nhiên, đau do khởi phát chuyển dạ sẽ như thế nào? Hiện tại có biện pháp giảm đau nào kèm theo không?

Trả lời: Tất cả những phương pháp khởi phát chuyển dạ đều được báo cáo gây đau nhiều hơn là chuyển dạ tự nhiên, đặc biệt khi khởi phát bằng thuốc.

Biện pháp giảm đau hiện tại đều có sẵn, từ thuốc giảm đau đơn giản đến tê tuỷ sống, tuỳ vào hoàn cảnh mà nhân viên y tế sẽ cung cấp cho sản phụ.

Hỏi: Những biến chứng của khởi phát chuyển dạ là gì? Và được ngăn ngừa như thế nào?

Trả lời: Các biến chứng có thể có là:

- Gò tử cung cường tính – không thường gặp ~ 5,8%

- Sa dây rốn – có thể giảm thiểu tối đa bằng quá trình theo dõi sau khi ối vỡ hoặc bấm ối, rất hiếm trường hợp sa dấy rốn tại viện mà không được phát hiện.

- Vở tử cung –hiếm gặp, thường được chú ý khi khởi phát chuyển dạ trên vết mổ cũ (~1%)

- Thai suy trong chuyển dạ - không thường gặp, được theo dõi và xử lý nhanh khi xảy ra

- Nhiễm trùng mẹ và thai – hiếm gặp

BS CKII Vương Đình Bảo Anh – Phó trưởng khoa Sản BV Từ Dũ



Tài liệu tham khảo:

- Preterm labour and birth – NICE guideline NG25 12/2015

- Inducing labour – clinical guideline CG70 07/2008, có bổ sung cập nhật 01/07/2013

- ACOG patient FAQ, với từ khoá “Labour induction” và “Preterm labour”

- Health & Pregnancy Health Center – www.webmd.com -

Tải Ứng Dụng Tư Vấn Sức Khỏe – GlobeDr: Tại Đây


Bài viết khác cùng Box :