PDA

Xem chế độ đầy đủ : Những dấu ấn của nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam



billybibo
09-27-2023, 12:19 PM
Nuôi cấy tế bào gốc có thể phục vụ cho việc nghiên cứu và điều trị bệnh cho con người. Nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam hiện nay đã đạt được những thành tựu nhất định, mở ra triển vọng lớn trong lĩnh vực này.
Hãy cùng Medeze tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là các tế bào đặc biệt, có khả năng tăng sinh thành các tế bào chuyên biệt của cơ thể. Việc nuôi cấy tế bào gốc giúp các nhà khoa học mở ra triển vọng trong việc nghiên cứu và chữa trị nhiều căn bệnh con người phải đối mặt.

Để hiểu rõ hơn về tế bào gốc, bạn có thể tham khảo bài viết “Tế bào gốc và những ứng dụng bất ngờ trong y học” của Medeze.

Những dấu ấn của nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam
Tế bào gốc có thể biến thành bất kỳ loại tế bào nào trước khi chúng biệt hóa.
Những cột mốc của hành trình nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam
Ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 15/7/1995, tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu (thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam do PGS. Trần Văn Bé và các cán bộ Trung tâm Truyền máu – Huyết học TP.HCM thực hiện. Bệnh nhân D.L.B đến từ Đồng Nai được chẩn đoán ung thư bạch cầu mạn dòng tủy và được cấy ghép với tủy xương nhận từ người anh trai ruột.

Ca ghép tế bào gốc này diễn ra thành công. Bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, sau đó còn lập gia đình và có hai người con. Có thể thấy, trong bối cảnh đất nước ta lúc bấy giờ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về khoa học kỹ thuật, ca ghép này là một cột mốc vô cùng đáng tự hào, thể hiện tiềm năng đầy triển vọng trong việc nuôi cấy tế bào gốc và điều trị bệnh bằng công nghệ này tại Việt Nam.

Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Ngày 4/3/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 50-CT/TW: Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ đây, các hoạt động phát triển nuôi cấy tế bào gốc và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị tế bào càng được thúc đẩy và phát triển mạnh.

Ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên
Tháng 11/2006, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, một bệnh nhân đa u tủy xương đã được Viện thực hiện cấy ghép tế bào gốc tự thân thành công. Đây không chỉ là một bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc vào điều trị bệnh tại Viện nói riêng mà còn tạo ra động lực lớn cho triển vọng của liệu pháp này đối với nền y tế Việt Nam nói chung.

Việt Nam phân lập được tế bào gốc tủy răng
Từ năm 2000, các quốc gia như Mỹ hay Úc đã đã khám phá ra tủy răng là mô giàu tế bào gốc. Năm 2022, Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM) đã bắt tay vào nghiên cứu cách phân lập tế bào gốc tủy răng. Sau gần 10 năm nghiên cứu, đội ngũ này chính thức công bố đã thành công trong việc phân lập và nuôi cấy tế bào gốc từ tủy răng. Đây là tín hiệu đầy hứa hẹn cho việc thành lập ngân hàng tế bào gốc tủy răng cũng như điều trị bệnh bằng nguồn tế bào gốc này trong tương lai, giúp bệnh nhân tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Những dấu ấn của nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam
Răng là nguồn lấy tế bào gốc đầy hứa hẹn.
Lần đầu tiên sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị ung thư vú tại Việt Nam
Năm 2014, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An điều trị thành công cho bệnh nhân nữ Đ.T.L (SN 1962, huyện Yên Thành, Nghệ An) mắc bệnh ung thư vú (K vú phải). Sau quá trình ghép tế bào gốc tự thân, bệnh nhân này không xảy ra tai biến, có khả năng phục hồi tốt. Đến 11/12/2014, sau khi tình hình sức khỏe ổn định, bệnh nhân đã được xuất viện.

Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam được thành lập
Tháng 4/2015, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thành lập “Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng” theo Quyết định thành lập số 4232/QĐ-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam. Ngân hàng đã mở ra hy vọng cho các bệnh nhân cần cấy ghép tế bào gốc nhưng không thể sử dụng tế bào gốc tự thân hoặc không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống.

Ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên
Tháng 9/2014, bệnh nhân H.T.T.L (28 tuổi) quê ở Quảng Bình được chẩn đoán mắc Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (M5A). Vì bệnh nhân thuộc nhóm tiên lượng xấu, có khả năng phục hồi thấp nên buộc phải điều trị bằng cách ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, nguồn tế bào gốc dự kiến từ người em ruột lại không phù hợp với bệnh nhân. May mắn là trong hơn 700 mẫu máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ tại Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng thuộc Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, có mẫu tế bào gốc cuống rốn phù hợp chỉ số HLA với bệnh nhân này. Ngày 30/12/2014, bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc thành công. Đây là một bước tiến mở ra thêm nhiều cơ hội để các bệnh nhân được điều trị bệnh bằng tế bào gốc tại Việt Nam.

Thành lập Viện Tế bào gốc
12/6/2017, Viện Tế bào gốc (tiền thân là Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được thành lập. Với đội ngũ cán bộ trình độ cao, say mê nghiên cứu, nơi đây là đơn vị nghiên cứu về tế bào gốc dẫn đầu ở nước ta. Viện Tế bào gốc sở hữu nhiều công nghệ hiện đại trong phân lập, nuôi cấy tế bào gốc. Từ đây, Viện đã công bố nhiều nghiên cứu quan trọng về tế bào gốc trên người và thực hiện chuyển giao công nghệ cho nhiều đơn vị để phục vụ cho việc điều trị bệnh trong y tế. Sự phát triển của Viện tế bào gốc không chỉ đóng góp nhiều thành tựu quý giá cho khoa học Việt Nam mà còn giúp ích cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được điều trị bệnh bằng phương pháp tế bào gốc với chi phí hợp lý.

Phát triển thuốc từ tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam
Năm 2018, sau gần 10 năm nghiên cứu và phát triển, Viện Tế bào gốc thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG- TP HCM đã công bố sản phẩm Cartilatist – thuốc được làm từ tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam. Từ lâu, bệnh thoái hóa khớp gối và thoái hóa cột sống đã trở thành căn bệnh phổ biến gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân. Sản phẩm thuốc Cartilatist được làm từ tế bào gốc có nguồn gốc từ mô mỡ ra đời, được bác sĩ tích hợp vào quá trình điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối hay cột sống ở cấp độ thích hợp. Tháng 7/2018, sản phẩm Carilatist được chuyển giao độc quyền cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh phát triển, sản xuất và thương mại hóa nhằm giúp thêm nhiều bệnh nhân tiếp cận được với các sản phẩm này với chi phí hợp lý hơn.

Những dấu ấn của nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam
Nuôi cấy tế bào gốc trung mô để tạo ra sản phẩm Cartilatist
Trường hợp cấy tế bào gốc cứu bệnh nhi bị bại não do di chứng viêm não tự miễn
Năm 2019, bé H.G.L (5 tuổi) quê ở Nam Định được chẩn đoán bị bại não do di chứng viêm não tự miễn – bệnh loại bệnh hiếm gây ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào não hay tủy sống của bệnh nhân. Tại Bệnh viện Vinmec, các bác sĩ quyết định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp ghép tế bào gốc mô dây rốn – một phương pháp chưa có nước nào trên thế giới thực hiện. Trong vòng một năm rưỡi, sau ba lần cấy ghép, bệnh nhân đã có tình trạng cải thiện tốt: tự nuốt được qua đường miệng, đi lại bình thường,… Kết quả khả quan này đã mở ra hướng điều trị cho nhiều căn bệnh tự miễn khác như viêm gan tự miễn,… không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới.

Điều trị thành công ca ung thư máu bằng liệu pháp tế bào
Năm 2022, bệnh nhi T.B.C (4 tuổi) mắc phải căn bệnh hiểm nghèo ung thư bạch cầu cấp dòng lympho. Trải qua nhiều quá trình điều trị hóa chất với cấp độ tăng dần nhưng bệnh tình vẫn không có biến chuyển, bé đã được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR – T. Bệnh nhân sẽ được lấy máu, tách tế bào T để nuôi cấy tế bào CAR-T sau đó truyền lại vào cơ thể. Tế bào CAR-T này sẽ có nhiệm vụ tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Sau 30 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại và được xuất viện vào ngày 21/8/2023. Đây là ca bệnh ung thư bạch cầu cấp dòng lympho đầu tiên tại Việt Nam được điều trị khỏi bằng phương pháp tế bào CAR-T, mở ra hướng đi mới trong việc nghiên cứu và điều trị những căn bệnh nan y tương tự tại Việt Nam.

Hiện nay, việc nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam để ứng dụng vào nghiên cứu và điều trị bệnh đang có nhiều bước tiến nhờ vào sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ nhà nghiên cứu với trình độ cao, tâm huyết với nghề luôn hết mình để mang tới những tiến bộ y học, mở ra tương lai hứa hẹn cho lĩnh vực này tại nước ta.

Những hạn chế của nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam
Có thể thấy, nghiên cứu về TBG ở Việt Nam đã xuất hiện từ những năm 1990 và đạt được nhiều thành tựu trong suốt những năm qua. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng việc ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh diễn ra ở nhiều cơ sở y tế, trung tâm nghiên cứu mở ra nhiều triển vọng giúp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế.

Những dấu ấn của nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam
Nuôi cấy tế bào gốc tại Việt Nam còn nhiều hạn chế
Thiếu các chính sách
Năm 2017, Bộ Y tế gửi dự thảo về Luật về máu và tế bào gốc đến Bộ Tư pháp để thẩm định. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một bộ luật chính thức hoặc các chính sách, hướng dẫn về triển khai nghiên cứu, khai thác, ứng dụng cho lĩnh vực nuôi cấy tế bào gốc tại Việt Nam. Việc thiếu đi hành lang chính sách cho lĩnh vực nghiên cứu này nên rất khó kiểm soát các hành vi mua bán lậu tế bào gốc và các chế phẩm từ tế bào gốc, các hoạt động quảng cáo trái phép về tế bào gốc… Bên cạnh đó, việc thiếu các chính sách về nuôi cấy tế bào gốc khiến yếu tố nhân đạo, nhân quyền… trong quy trình nuôi cấy tế bào gốc tại Việt Nam không được bảo vệ triệt để. Đồng thời, những quyền lợi dành cho người hiến máu nhân đạo phục vụ cho việc nghiên cứu, điều trị bệnh cũng chưa được đề cao, chú trọng. Từ đó, có thể thấy việc nuôi cấy tế bào gốc tại Việt Nam vẫn rất cần sự đảm bảo về mặt pháp lý, định hướng và quy hoạch rõ ràng trong tương lai.

Thiếu sự liên kết, đồng bộ
Các dự án nghiên cứu nuôi cấy tế bào gốc để ứng dụng vào y học tại Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các đơn vị riêng biệt: Viện Tế bào gốc, các bệnh viện Trung ương, các đơn vị tư nhân… Đây là lý do khiến việc khởi động nền công nghiệp tế bào gốc vẫn còn sơ khai, chưa có sự đồng bộ. Từ đây, tiềm năng để phát triển lĩnh vực này bị hạn chế và không thể tạo ra nhiều bước tiến vượt trội.

Thiếu kinh phí
Kinh phí cho việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc gốc là một vấn đề lớn. Theo TS Trương Việt Dũng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo thuộc Bộ Y tế thì hiện nay nguồn kinh phí của nhà nước đầu tư cho các nghiên cứu tế bào gốc lớn nhưng không phải là vô tận. Trong khi đó, nuôi cấy tế bào gốc, nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc vào thực tiễn đời sống là một hành trình dài với nhiều nỗ lực của đội ngũ nhà nghiên cứu trình độ cao và tận tâm, cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng được yêu cầu chuyên môn… Chính vì vậy, các đơn vị nghiên cứu tế bào gốc cần tạo ra các sản phẩm ứng dụng tế bào gốc để tạo ra nguồn thu từ bệnh nhân, khách hàng nhằm duy trì được nguồn kinh phí bền vững, hợp lý phục vụ cho việc nuôi cấy tế bào gốc nói riêng và nghiên cứu về lĩnh vực này nói chung.

Có thể thấy, nuôi cấy tế bào gốc ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đầy hứa hẹn trong cả việc nghiên cứu và ứng dụng vào điều trị bệnh. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực này có tiềm năng lớn trong tương lai, hứa hẹn sẽ còn phát triển và giúp ích lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của con người. Nếu đang muốn tìm hiểu về việc lưu trữ tế bào gốc để đảm bảo một tương lai mạnh khỏe, hãy liên hệ với Medeze qua thông tin dưới đây:

Xem thêm tại đây (https://medeze.vn/nhung-dau-an-cua-nuoi-cay-te-bao-goc-o-viet-nam/)