PDA

Xem chế độ đầy đủ : Hai người cùng giới quan hệ có phạm luật?



nguyenthikiu
09-22-2013, 02:03 PM
Việc quan hệ tình dục giữa hai người đồng giới không vi phạm pháp luật, miễn sao họ tự nguyện, đủ tuổi (trên 16 tuổi) và không có yếu tố mại dâm.
Những người đồng tính, song tính, chuyển giới hay liên giới tính sẽ hiểu rõ hơn về quyền mà mình đang có và cần phải có thông qua các điều luật của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất được tổ chức iSEE, ICS tổng hợp lại.


http://m.f13.img.vnecdn.net/2013/09/21/maika-6613-1379728198.jpg


Ảnh: Maika Elan


1. Mặc dù pháp luật cấm kết hôn nhưng chúng tôi cứ đi đăng ký kết hôn thì có bị phạt không?
Không. Việc hai người là người cùng giới chỉ bị xem là không đủ điều kiện kết hôn. Nếu đi đăng ký kết hôn thì bạn sẽ bị từ chối. Chỉ khi các bạn giả mạo giấy tờ, lừa dối để có được Giấy chứng nhận kết hôn thì mới bị phạt theo quy định pháp luật.
2. Nếu tôi chỉ tổ chức lễ cưới thì có vi phạm pháp luật không?
Không. Pháp luật Việt Nam hiện tại không xem những nghi thức như lễ cưới, đám hỏi… có giá trị pháp lý như đăng ký kết hôn. Pháp luật chỉ cấm việc đăng ký kết hôn giữa những người cùng giới chứ không can thiệp vào những nghi thức này. Bản* thân việc tổ chức lễ cưới không phải là hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình.
3. Chúng tôi có thể có con bằng cách nào?
Như tất cả mọi công dân Việt Nam khác, có một số cách để bạn có con và được pháp luật thừa nhận:
Con đẻ trong các mối quan hệ, hôn nhân trước: Đứa bé sinh ra là con của bạn và một người khác giới khác, có quyền và nghĩa vụ gắn với bạn và người đó. Người yêu cùng giới của bạn có thể nhận đứa bé làm con nuôi, còn bạn vẫn là cha/mẹ ruột của đứa bé.
Con đẻ theo phương pháp khoa học: Nếu bạn là người đồng tính nữ, bạn có quyền xin tinh trùng với tư cách phụ nữ độc thân. Nếu là người đồng tính nam, pháp luật Việt Nam hiện tại cấm việc mang thai hộ, bạn chỉ có quyền hiến tặng tinh trùng.
Con nuôi: Bạn có quyền nhận con nuôi với tư cách là một người độc thân. Con nuôi sẽ có một bố hoặc một mẹ.
4. Việc quan hệ tình dục giữa hai người cùng giới có vi phạm pháp luật không?
Không. Miễn là việc quan hệ tình dục giữa hai người là tự nguyện, đủ tuổi (trên 16 tuổi) và không có yếu tố mại dâm. Pháp luật Việt Nam hiện tại không có quy định về việc quan hệ tình dục tự nguyện giữa hai người cùng giới.
5. Tôi bị một người cùng giới hiếp dâm, giao cấu ngoài ý muốn thì người đó có thể bị truy tố hình sự không?
Pháp luật hình sự Việt Nam không quy định rõ nạn nhân của hiếp dâm phải là nữ giới. Tuy vậy, do diễn giải hành vi “giao cấu” phải là giữa nam và nữ cho nên trên thực tế chưa có trường hợp nào nạn nhân của tội hiếp dâm là nam giới. Nếu người bị hiếp dâm dưới 13 tuổi chỉ có thể bị truy tố tội “dâm ô với trẻ em”. Đây là điểm bất cập của quy định pháp luật hiện nay.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện hành vi hiếp dâm, nạn nhân rất có thể bị xâm hại tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Và những hành vi này có thể bị truy tố ở các tội khác như tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác.
6. Người đồng tính có bị cấm hiến máu không?
Không. Trong các tiêu chuẩn tham gia hiến máu nhân đạo không cấm người đồng tính tham gia hiến máu. Tuy nhiên trên một số mẫu đăng ký hiến máu có câu hỏi trong 6 tháng qua có quan hệ tình dục cùng giới không. Nhiều chuyên gia y tế vẫn cho rằng quan hệ tình dục cùng giới là hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. Tuy nhiên chưa tìm thấy văn bản nào công khai nói rằng sẽ không lấy máu của những người có quan hệ tình dục cùng giới.
7. Tôi chưa phẫu thuật, tôi muốn đổi tên cho thuận tiện cuộc sống hàng ngày hơn thì có được không?
Pháp luật Việt Nam hiện tại quy định bảy trường hợp để một người có quyền yêu cầu thay đổi tên, trong đó có trường hợp xác định lại giới tính. Nhưng vì bạn chưa thực hiện phẫu thuật nên không áp dụng trường hợp này.
Về nguyên tắc bạn có thể yêu cầu đổi tên vì “việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn”. Ở đây là nhầm lẫn giữa “giới tính của cái tên” và “giới tính thể hiện của bạn”, và việc này gây nhiều khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của bạn. Giới tính bẩm sinh ở đây không còn đóng vai trò giúp người khác nhận dạng bạn nữa mà giới tính đang thể hiện mới là quan trọng, vì vậy bạn cần có tên mới phù hợp với giới tính thể hiện của mình. Chưa ghi nhận trường hợp nào mà người chưa phẫu thuật được đổi tên với lý do “gây nhầm lẫn”.
8. Tôi chưa phẫu thuật, tôi muốn đổi giới tính trên giấy tờ có được không?
Không. Hiện tại nếu bạn muốn thay đổi giới tính trên giấy tờ, bạn cần phải có giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính. Vì chưa thực hiện phẫu thuật nên bạn sẽ không có được giấy chứng nhận này.
9. Tôi là người chuyển giới, đã phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ và bị người khác hiếp dâm, vậy tôi có thể kiện người đó tội hiếp dâm hay không?
Không. Mặc dù bạn đã phẫu thuật chuyển giới nhưng pháp luật Việt Nam hiện tại không công nhận tình trạng cơ thể của bạn và không thay đổi giới tính trên các giấy tờ nhân thân. Vì vậy bạn vẫn được pháp luật xem là nam giới. Bạn vui lòng đọc thêm phần “Pháp luật về nhân thân, hộ tịch” để rõ hơn.
10. Tôi không thể làm giấy chứng minh nhân dân vì được yêu cầu phải thay đổi ngoại hình cho giống với giới tính bẩm sinh?
Mọi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên (tính theo ngày sinh trong giấy khai sinh) đều có quyền và nghĩa vụ làm giấy CMND. Đây là loại giấy tờ tùy thân quan trọng trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch, cũng như xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Quy định về ảnh chụp trên giấy CMND là “đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự”. Vì vậy khi đi chụp ảnh bạn cần tuân thủ, không đội tóc giả, nếu tóc dài thì cần gọn gàng, quần áo nghiêm túc. Nếu cơ quan công an từ chối và yêu cầu bạn thay đổi ngoại hình, hãy thử giải thích đây mới là đặc điểm nhận dạng bình thường của bạn, nếu thay đổi bây giờ thì sau này hình ảnh trên CMND và trên thực tế sẽ không khớp nhau.
Ở một số nơi đồng ý để bạn sử dụng ảnh chụp trước. Vì vậy bạn có thể chuẩn bị trước một số ảnh khác nhau để đưa cho cơ quan cấp giấy CMND xem họ có nhấp nhận không. Có thể khó khăn hơn bình thường, nhưng bạn nên cân nhắc để có thể có được loại giấy tờ tùy thân cơ bản và quan trọng này.
Nguyễn Phượng

http://pixel.quantserve.com/pixel/p-89EKCgBk8MZdE.gif


Theo Diễn Đàn sức khỏe Việt Nam