Chlorhexidine thường dùng dưới dạng muối chlorhexidine gluconate (CHG), chlorhexidine acetate, chlorhexidine digluconate. Sản phẩm được sử dụng phổ biến trong việc khử trùng da trước phẫu thuật và khử trùng dụng cụ phẫu thuật. Để biết rõ hơn về sản phẩm này, cũng như công dụng và hiệu quả của nó mang lại, hãy cùng nhau tìm hiểu bài viết dưới đây.

I. Giới thiệu chung về chlorhexidine

Nguồn gốc: Chlorhexidine được sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Mỹ, Nhật Bản, và cả ở Việt Nam. Sản phẩm được đưa vào sử dụng trong những năm 1950, nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, các loại thuốc an toàn nhất và hiệu quả nhất cần thiết trong một hệ thống y tế.

Dạng bào chế: chlorhexidine có nhiều dạng bào chế khác như, điển hình là:

Dung dịch rửa: dưới dạng chlorhexidine digluconate 2%, 4% hoặc 5%. Đóng trong lọ hoặc túi 125 ml, 250 ml hoặc 500 ml.
Băng gạc: tẩm parafin chứa 0,5% chlorhexidine acetate dạng bột mịn.
Kem dùng ngoài hoặc gel chứa 1% chlorhexidine gluconate.

Điều kiện bảo quản: chlorhexidine nói chung nên được duy trì ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Tuy nhiên, với mỗi dạng bào chế có thêm các cách bảo quản khác, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

II. Thành phần chính và công dụng của chlorhexidine

1. Thành phần chính

Thành phần chính trong sản phẩm là chlorhexidine tồn tại ở các dạng muối khác nhau đó là: chlorhexidine gluconate, chlorhexidine digluconate hoặc chlorhexidine acetate.

2. Cơ chế tác dụng

Chlorhexidine có cấu trúc biguanid, là một cation. Hoạt tính kháng khuẩn tạo ra nhờ lực hút giữa chlorhexidine mang điện tích dương với các tế bào vi khuẩn mang điện tích âm. Khi đó, chlorhexidine sẽ bị hút trên bề mặt các tế bào vi khuẩn, từ đó tạo thành một phức hợp bền vững chứa phosphate để phá vỡ toàn bộ màng tế bào vi khuẩn.*

Chhlorhexidine có phổ tác dụng rộng trên cả vi khuẩn gram dương, gram âm, nấm men, nấm da và các virus ưa lipid (kể cả HIV). Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng trên các bào tử vi khuẩn, trừ khi ở nhiệt độ cao.

Khả năng tiêu diệt tế bào gây bệnh phụ thuộc vào nồng độ của chlorhexidine. Ở nồng độ thấp, chlorhexidine có tác dụng kìm hãm vi khuẩn, làm rò rỉ các chất nội bào như kali và phospho. Ở nồng độ cao hơn, hoạt chất này có khả năng diệt khuẩn không hồi phục và gây kết tủa các tế bào chất.

Chlorhexidin liên kết với protein có trong các mô của con người như da, màng nhầy, hạn chế sự hấp thu toàn thân. Sự liên kết này giải phóng chậm dẫn đến kéo dài thời gian hoạt động, làm tăng tác dụng kháng khuẩn chống lại nhiều loại vi sinh vật gây bệnh. Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng, Chlorhexidine tồn tại ít nhất 48 giờ trên da, không bị ảnh hưởng bởi các dịch cơ thể như máu, khả năng bám dính tốt.

Chlorhexidine liên kết tốt với các mô bị tổn thương, sau đó giải phóng theo thời gian để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, chlorhexidine được sử dụng để sát trùng thiết bị y tế như: cấy ghép nha khoa, ống thông mạch máu, đầu nối không kim và băng gạc kháng khuẩn.

3. Công dụng

Chlorhexidine có khả năng:

Khử khuẩn bề mặt da bị tổn thương: vết bỏng, vết trầy xước, viêm nhiễm phụ khoa,…
Làm sạch các dụng cụ, đặc biệt là dụng cụ trong phẫu thuật.
Ngăn ngừa việc tạo thành cao răng và bảo vệ chống viêm lợi, phòng ngừa sâu răng.

>>> Xem bài viết: Dizigone - Kháng khuẩn vượt trội

III. Chỉ định của Chlorhexidine

Ứng với mỗi dạng bào chế, Chlorhexidine sẽ có những chỉ định cụ thể riêng:

1. Dạng dung dịch

Chlorhexidine dạng dung dịch có tác dụng kháng khuẩn và sát khuẩn ngoài da, dùng trong phụ khoa và phẫu thuật.
Dùng súc miệng để ngăn ngừa hình thành mảng bám trên răng, vệ sinh răng miệng.
Ngăn ngừa tình trạng loét miệng tái phát.
Ngăn ngừa nhiễm nấm đường miệng tái phát.

>>> Xem bài viết: Nước súc miệng Kin Gingival có tốt không? Thành phần và công dụng

2. Băng gạc tẩm thuốc

Được chỉ định trong các trường hợp:

Các phẫu thuật hoặc chấn thương, loét do giãn tĩnh mạch, đái tháo đường,….
Rách da, trầy xước da, côn trùng đốt.
Vết thương do chọc dò, kẹp ép, bỏng.
Nhổ hoặc thay móng tay, móng chân, cắt bao quy đầu.
Nhiễm khuẩn thứ phát: eczema, viêm da, zona.
Mở thông đại tràng, hồi tràng, khí quản, chỗ trích rạch áp xe, trích rạch viền móng.
3. Kem hoặc gel dùng ngoài

Điều trị các vết bỏng nhiệt hoặc bỏng nước, vết xước, vết cắt và trầy da, vết phồng do cháy nắng và vùng da nứt nẻ bị nhiễm trùng.

IV. Cách dùng, liều dùng của Chlorhexidine*

Với mỗi dạng bào chế sẽ có cách dùng và liều dùng khác nhau.

1. Dung dịch súc miệng chlorhexidine

Người lớn: Súc miệng dung dịch 0,02 - 0,05% ngày 1 - 6 lần trong điều trị viêm miệng - hầu họng

Trẻ trên 12 tuổi: Súc miệng ngày 1 - 3 lần trong viêm miệng – hầu họng. Khoảng cách tối thiểu giữa các lần súc miệng là ít nhất 4 giờ.

2. Dung dịch sát khuẩn chlorhexidine

Chlorhexidine ở dạng dung dịch dùng trong các trường hợp:

Vệ sinh trước phẫu thuật: sử dụng một lượng dịch phù hợp để vệ sinh bàn tay, cẳng tay trước khi phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân.

Sát khuẩn các vết thương ngoài da. Bạn có thể sử dụng tăm bông đã được thấm dịch vệ sinh tổn thương và các vị trí xung quanh đó 2-3 lần/ngày.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người dùng lấy một lượng vừa đủ để sát khuẩn vết thương hoặc sát khuẩn cho cán bộ y tế.

3. Băng gạc tẩm chlorhexidine

Sau khi rửa sạch vị trí tổn thương, đặt lớp băng gạc lên để che phủ bề mặt tổn thương. Tần suất thay đổi băng gạc phụ thuộc vào tình trạng vết thương và lượng dịch rỉ viêm tiết ra.

4. Kem hoặc gel chlorhexidine

Cách dùng:

Vệ sinh tay vùng da cần điều trị bằng nước sạch.
Lấy một lượng phù hợp bôi lên vùng da vừa làm sạch, massage nhẹ nhàng cho thuốc phân bố đều.

Liều dùng: Tùy mức độ và vị trí tổn thương, với người lớn dùng 1 - 2 lần/ngày. Đối với trẻ dưới 12 tuổi, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

V. Chống chỉ định và thận trọng khi dùng Chlorhexidine

1. Chống chỉ định
Sản phẩm chống chỉ định với những ai có tiền sử quá mẫn với chlorhexidine và các thành phần khác trong thuốc.
Không sử dụng chlorhexidine tại các vị trí não, màng não, các mô dễ nhạy cảm và tai giữa.
2. Thận trọng
Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm sau 5 ngày điều trị và bệnh nhân có sốt, bác sĩ cần đánh giá lại phác đồ sử dụng.
Chlorhexidine gây kích ứng mắt do vậy hạn chế để thuốc tiếp xúc với mắt. Nếu không may thuốc dính vào mắt, cần rửa ngay dưới vòi nước sạch.
Sau khi tiệt trùng dụng cụ bằng chlorhexidine, cần rửa lại với nước muối hoặc nước vô khuẩn trước khi phẫu thuật.
VI. Tác dụng không mong muốn, tương tác và lưu ý khi dùng
1. Tác dụng không mong muốn
Có thể gây kích ứng da trong quá trình điều trị viêm da tiếp xúc. Một số phản ứng dị ứng nặng có thể gây hạ huyết áp, đỏ bừng toàn thân.
Khi dùng cho khoang miệng, có thể gây tê lưỡi, xuất hiện màu nâu ở lưỡi hoặc răng, sẽ hồi phục khi ngừng điều trị.
Rối loạn vị giác tạm thời, cảm giác nóng rát ở lưỡi khi mới dùng thuốc.
Giảm khứu giác tạm thời
Toàn thân chóng mặt, nhịp tim nhanh, khô miệng.
2. Tương tác thuốc

Việc sử dụng đồng thời chlorhexidine với các chất kháng khuẩn thông thường có nguy cơ gây đối kháng, làm mất tác dụng của nhau. Vì vậy, mọi người cần tránh dùng đồng thời: xà phòng, các thuốc sát khuẩn khác như: cồn, povidone iodine…, đặc biệt là các sản phẩm có bản chất là anion.

Ngoài ra, trước khi sử dụng chlorhexidine, người bệnh cũng nên thông báo với bác sĩ những loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng. Mục đích là để bác sĩ quản lý những tương tác có thể xảy ra và đưa ra phác đồ điều trị bệnh hợp lý nhất cho bạn.

3. Lưu ý khi dùng

Phụ nữ mang thai

Sử dụng chlorhexidine chủ yếu cho các bệnh ngoài da, khả năng hấp thụ vào tuần hoàn rất ít, vì vậy ảnh hưởng đến thai nhi là không đáng kể. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý khi sử dụng Chlorhexidine trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ và bé.

Phụ nữ cho con bú

Chlorhexidine hấp thu vào sữa mẹ rất ít, không có ý nghĩa trên lâm sàng. Trong trường hợp sử dụng chlorhexidine để điều trị nhiễm khuẩn tại núm vú, các mẹ cần chú ý rửa sạch trước khi cho trẻ bú và nên cho trẻ bú trước khi tiến hành bôi thuốc.

Trẻ em dưới 12 tuổi

Tính an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được chứng minh ở trẻ dưới 12 tuổi. Vì vậy, chlorhexidine không được khuyến cáo dùng cho đối tượng này. Chỉ sử dụng thuốc khi có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

VII. Kết luận

Hi vọng bài viết đã cung cấp đến cho bạn đọc những thông tin cần thiết nhất về sản phẩm sát khuẩn thông dụng Chlorhexidine. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 1900 9482 để được tư vấn cụ thể.


Bài viết khác cùng Box :