Thời tiết nắng nóng gay gắt của mùa hè là tác nhân khiến rất nhiều người mắc phải các bệnh nguy hiểm như say nắng, đột quỵ, … đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và những người thường xuyên làm việc dưới nắng nóng…

Say nắng

Khi nhiệt độ lên cao (38-39 độ C), cơ thể bị mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào, dẫn đến say nắng. Cơ thể bị mất nước có thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể.

Hiện tượng này thường hay gặp ở những người làm việc ở môi trường ngoài trời như công nhân xây dựng, người nông dân… Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức… sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh.

Biểu hiện của người say nắng, say nóng thường là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút ... Tình trạng say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời còn có thể dẫn đến đột quỵ, ngất, hôn mê, trụy tim mạch, kéo theo các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Đột quỵ

Đột quỵ do nắng nóng mùa hè là bệnh chúng ta cũng hay gặp trong mùa hè, khi tình trạng thân nhiệt trung tâm cao trên 40 độ C, do cơ thể tiếp xúc kéo dài với môi trường có nhiệt độ cao như ở ngoài trời nắng nóng hoặc phải làm việc trong các lò gốm sứ, lò rèn, lò luyện kim... với điều kiện độ ẩm không khí cao, không thông thoáng… Những người làm trong môi trường này kéo dài có thể dẫn đến da nóng, khô kèm theo các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật và thậm chí có thể hôn mê.

Các biểu hiện ban đầu của đột quỵ thường bao gồm: vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, nôn mửa, sau đó xuất hiện chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, tiểu ít, sốt cao (có khi tới trên 40 độ C), da và niêm mạc khô, trụy mạch... Cá biệt có trường hợp có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện thương tổn thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngộ độc thực phẩm

Mùa hè đến cũng là thời điểm mùa du lịch trải dài trên diện rộng khắp đất nước, hầu hết tại các khu du lịch là nơi vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động.

Ngoài ra khi thời tiết nóng, ruồi nhặng và vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, nhất là khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 - 38 độ C.

Trong mùa nắng, ruồi, muỗi, chuột, gián cũng phát triển nhiều hơn nên dễ làm lây lan các mầm bệnh qua thực phẩm và nước uống. Vì vậy chúng ta rất có thể mắc các bệnh về đường ruột, ngộ độc thực phẩm bởi do E.coli, thương hàn, lỵ, đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn tả hoặc bệnh liên cầu lợn hoặc tụ cầu vàng…

Triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy cấp, nếu không cấp cứu kịp thời có thể trụy tim mạch, tử vong.

Một số biện pháp phòng tránh các bệnh về mùa hè

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại trừ mầm bệnh, nhất là những người chăm sóc trẻ em để phòng bệnh cho trẻ.
Không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, chạo chua, trứng sống, gỏi cá, các loại thịt tái, … Không ăn uống ở những hàng quán không hợp vệ sinh.
Hạn chế ra ngoài trời khi nhiệt độ cao (nhất là vào buổi trưa). Nếu cần ra ngoài thì phải mặc quần áo che kín da, mũ rộng vành phủ kín vùng cổ gáy phòng say nắng.
Nếu có người bị say nắng, cần nhanh chóng giảm thân nhiệt cho bệnh nhân, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát, … và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Uống đủ 2 lít nước/ngày, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Khi có các dấu hiệu bệnh, không tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ, phải đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.


Bài viết khác cùng Box :