Đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 xin được xác định lại giới tính, chị Thành (Bình Phước) bị từ chối vì quá tuổi "trẻ con" và được giới thiệu ra Hà Nội, song Bộ Y tế lại nói chị có thể làm ngay ở cơ sở này.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Khoa Niệu, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, cho biết trước kia, khi chưa được Bộ Y tế chính thức cấp phép can thiệp y tế và cấp giấy xác định lại giới tính, thì bệnh viện đã điều trị cho nhiều trẻ có khuyết tật về giới tính ở độ tuổi dưới 15 nhưng không cấp giấy chứng nhận được.
Theo đó, người nhà bệnh nhi sẽ làm đơn theo mẫu của Bộ Y tế. Bệnh viện tiếp nhận đơn và thành lập hội đồng để hội chẩn, sau đó sẽ cho bệnh nhi nhập viện để khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ trao đổi tư vấn với người nhà để tiến hành điều trị cho bé và cấp giấy chứng nhận sau khi điều trị. Thời gian từ khi có đơn tới lúc nhận được giấy chứng nhận thường 4-6 tuần.
Tuy nhiên vấn đề nảy sinh từ khi Bệnh viện Nhi Đồng 2 được phép cấp giấy xác định lại giới tính, có những người trên 15 tuổi cũng đến xin thực hiện, trong đó có chị Thành. Do tại đây chưa có tiền lệ khám và điều trị cho người lớn nói chung, xác định lại giới tính cho người lớn nói riêng nên các bác sĩ tư vấn cho họ liên hệ đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nơi điều trị hợp pháp dành cho người lớn, được phép cấp giấy xác nhận lại giới tính theo quy định của Bộ Y tế.

Chị Thành và cậu con trai chưa được pháp luật công nhận vì chị vẫn mang khai sinh nam. Ảnh: Chế Bắc.
Cũng theo bác sĩ Thạch, hiện nay ở miền Bắc đã có 2 bệnh viện được phép xác định lại giới tính, trong đó một cơ sở chuyên về nhi khoa là Bệnh viện Nhi trung ương và cơ sở dành cho người lớn là Việt Đức. Ở miền Nam có duy nhất bệnh viện Nhi Đồng 2 dành cho trẻ em.
“Từ trước đến nay đối tượng bệnh nhân của Bệnh viện Nhi Đồng 2 là trẻ em dưới 15 tuổi. Bác sĩ nhi khoa chỉ có chuyên môn về trẻ em thì làm sao có thể điều trị cho người lớn được. Trong khi trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, những đặc điểm cơ thể, nội tiết, tiết niệu, sinh dục của trẻ rất khác so với người lớn, bệnh lý sẽ khác nhau cách điều trị sẽ khác hẳn”, bác sĩ nói.
Tuy nhiên qua trường hợp chị Thành, bác sĩ Thạch cho biết, nếu việc di chuyển của bệnh nhân gặp khó khăn, Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẵn sàng đứng ra mời bác sĩ ở các bệnh viện dành cho người lớn hỗ trợ chẩn đoán và điều trị nếu như có đơn yêu cầu của bệnh nhân cũng như sự cho phép của Sở Y Tế TP HCM.
Theo bác sĩ Thạch, đây là giải pháp tình thế nhằm đáp ứng nhu cầu bức bách của xã hội trong thời điểm hiện tại. Còn về lâu dài, ông khuyến nghị Sở Y Tế thẩm định và cấp phép xác định lại giới tính cho thêm ít nhất một bệnh viện dành cho người lớn tại miền Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bệnh nhân ở khu vực này.
Quan tâm đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hoàng, Văn phòng Luật sư Phan, cho rằng chị Thành thuộc nhóm đối tượng có khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Do đó, chị nằm trong diện được phép xác định lại giới tính theo quy định của pháp luật. Đó là những người đã xác định giới tính nhưng có những bất thường ở bộ phận sinh dục hoặc những người chưa xác định được giới tính là nam hay nữ. Vấn đề này được quy định rất cụ thể tại Nghị định 88 của Chính phủ về tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính và xác định giới tính chưa được hình thành.
Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng, hiện nay số lượng bệnh viện được chỉ định làm việc này còn quá ít. Riêng khu vực TP HCM chỉ có Bệnh viện Nhi đồng 2, mà bệnh nhân giới hạn dưới 15 tuổi. Như vậy mọi trường hợp lớn hơn độ tuổi này cần xác định lại giới tính đều phải ra đến tận Hà Nội để thực hiện. Trong khi chi phí đi lại, ăn ở, cùng với chi phí xác định giới tính không phải là con số nhỏ. Nhiều trường hợp như chị Thành điều kiện kinh tế khó khăn mà không thể xác định lại giới tính được, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày và những quyền lợi pháp lý của họ.**
Vì thế, luật sư Hoàng kiến nghị: “Bộ Y tế nên mở rộng phạm vi chỉ định các bệnh viện được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính. Có thể bổ sung ở khu vực phía Nam một bệnh viện nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ chi phí xác định lại giới tính cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Riêng đối với những người đã thực hiện xác định lại giới tính trước ngày 24/8/2008, Nghị định 88 quy định phải có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở y tế trước đó và đến các cơ sở được chỉ định hiện nay là Nhi Đồng 2, Nhi Trung ương và Việt Đức để được khám kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế. Theo luật sư, với những trường hợp này, cần có quy định phù hợp hơn, bởi lẽ, nếu họ đã xác định một lần nhưng lại phải yêu cầu xác định lại nữa thì vừa phức tạp lại vừa tốn thêm chi phí cho người thực hiện.
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế lại cho rằng trường hợp như chị Thành hoàn toàn có thể xác định lại giới tính tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chứ không cần ra Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang,*Phó Vụ*trưởng*Vụ Pháp chế, cho biết cơ quan giám định pháp y (như Phân viện pháp y TP HCM mà chị Thành từng đến xác định lại giới tính) không có đủ thẩm quyền và khả năng để thực hiện việc này. Đơn vị này chỉ có chức năng giám định với các trường hợp tử vong, thương tật, hiếp dâm... Với những trường hợp cần xác định lại giới tính, đòi hỏi phải thực hiện tại cơ quan y tế với các điều kiện đặc biệt về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Trang thiết bị đó gồm các máy móc chuyên dụng có thể thực hiện các xét nghiệm gene. Đặc biệt, nhân lực là các bác sĩ có trình độ chuyên môn về nội tiết, sản khoa, phụ khoa, nam khoa... được đào tạo chuyên biệt về xác định giới tính.*
"Chính vì yêu cầu ngặt nghèo như vậy nên không phải cơ sở y tế nào cũng có thể đáp ứng được. Thực tế, số người cần xác định lại giới tính rất ít, trong khi đầu trang thiết bị, nhân lực cho một cơ sở có thể thực hiện được chức năng này rất lớn, nên không thể làm tràn lan", ông Quang giải thích.*
Cũng theo ông Quang, cả 3 đơn vị được Bộ Y tế chỉ định có thể can thiệp, xác định lại giới tính*cho những người thuộc mọi lứa tuổi, không giới hạn ở nhóm nào. Vì thế "nếu người dân đến một trong các cơ sở này mà bị từ chối, thì cứ lấy xác nhận, chữ ký của chính bác sĩ không tiếp nhận đó, Bộ Y tế sẽ có hướng xử lý", ông nói.
Chào đời năm 1984, bộ phận sinh dục bị dị dạng, chị Thành được cha mẹ khai sinh là nam, song thực tế khi lớn lên, cơ thể lại có kinh nguyệt, buồng trứng, ngực nở. Năm 13 tuổi, chị Thành tới Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) kiểm tra thì phát hiện là nữ, và được chỉnh sửa theo hướng này. Gia đình đánh mất giấy xác nhận của bệnh viện nên chị không thể làm lại được khai sinh. Chị đã tới Phân viện Pháp Y TP HCM để xác định lại giới tính, và được chứng thực là "Nữ", song cơ quan Tư pháp tỉnh lại không thừa nhận. Chị tiếp tục được giới thiệu đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để làm lại, nhưng bệnh viện này từ chối, giới thiệu ra Bệnh viện Việt Đức ngoài Hà Nội để xác định lại.
Thi Ngoan - Minh Thùy
* Tên nhân vật đã được thay đổi.




Theo Diễn Đàn sức khỏe Việt Nam

Bài viết khác cùng Box :