Bệnh ghẻ là một bệnh ngoài da rất phổ biến do một loại ký sinh trùng trên da gây nên. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị tận gốc có thể dẫn tới nhiễm trùng da, chàm hóa hay một số biến chứng nghiêm trọng khác. Cùng tìm hiểu cách*điều trị bệnh ghẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế dưới đây.
I. Bệnh ghẻ là gì?
Ghẻ là một bệnh về da khá phổ biến và gặp phải ở nhiều người. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng đông đúc dân cư, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh hay thiếu thốn nước sinh hoạt. Ghẻ là bệnh dễ dàng lây lan, thường do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc lây qua chăn màn, quần áo. Bệnh ghẻ có thể gây ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng, chàm hoá, viêm cầu thận cấp...
II. Nguyên nhân gây bệnh ghẻ
Thủ phạm của bệnh ghẻ chính là một loại ký sinh trùng ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis. Chúng có hình bầu dục, có tám chân, kích thước rất nhỏ chỉ khoảng 0,3 mm nên rất khó quan sát bằng mắt thường. Trên lưng của ghẻ có gai xiên về phía sau, đầu có vòi dùng để hút thức ăn đồng thời đào luống ghẻ trên da người. Mỗi ngày ghẻ cái có thể đẻ từ 1-5 trứng, sau 3-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác nhiều lần thành ghẻ trưởng thành.
III. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh ghẻ?
1. Chẩn đoán xác định
Có thể chẩn đoán được bệnh ghẻ dựa trên các dấu hiệu lâm sàng.

  • Sau khi tiếp xúc với cái ghẻ, thời gian ủ bệnh trung bình kéo dài từ 2-3 ngày đến 2-6 tuần. Khi bị ghẻ, bệnh nhân thường ngứa ngáy dữ dội, gây cảm giác bứt rứt, khó chịu không yên. Ngứa thường tăng lên về ban đêm.
  • Các tổn thương trên da xuất hiện dạng mụn nước, có thể nằm riêng rẽ hoặc rải rác, thường gặp ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, quanh thắt lưng, vú, rốn, mặt trong đùi, kẽ mông và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, các mụn nước hay xuất hiện ở lòng bàn tay, chân. Đặc trưng của bệnh ghẻ là các đường hầm ghẻ hay còn gọi là luống ghẻ, thường dài từ 3-5mm, hình thành do sự di chuyển của cái ghẻ trên da.
  • Đặc trưng của bệnh ghẻ là mụn nước và những luống ghẻ
  • Bên cạnh đó, khi bị ghẻ người bệnh có thể xuất hiện săng ghẻ ở vùng sinh dục, thường dễ nhầm lẫn với săng giang mai. Ngoài ra còn có các sẩn cục hay sẩn huyết thanh ở những vị trí như nách, bẹn, bìu. Trên da có các vết xước, vảy da, da đỏ, dát thâm, có thể có bội nhiễm, chàm da hay mụn mủ.

Ghẻ Na Uy là một thể ghẻ đặc biệt, thường gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Trên da người bệnh sẽ xuất hiện nhiều lớp vảy chồng lên nhau và lan rộng toàn thân. Có thể tìm thấy hàng nghìn cái ghẻ trong các lớp vảy này.
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán bệnh ghẻ có thể dùng phương pháp soi tìm ký sinh trùng tại vị trí tổn thương.
2. Chẩn đoán phân biệt
Các biểu hiện của ghẻ đôi khi khá dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh ngoài da khác. Chính vì vậy, cần chú ý thật kĩ các triệu chứng để có thể phân biệt ghẻ với một số bệnh dưới đây:
Tổ đỉa: tổn thương là các mụn nước nhỏ, ngứa ở rìa các ngón tay, bàn tay, bàn chân, thường kéo dài dai dẳng.
Sẩn ngứa: tổn thương là các sẩn huyết thanh rải rác khắp các vị trí trên cơ thể, rất ngứa.
Viêm da cơ địa: tổn thương dạng sẩn mụn nước, tập trung thành từng đám, chủ yếu ở các chi dưới, rất ngứa kéo dài dai dẳng.
Nấm da (hắc lào): tổn thương là mảng da đỏ hình tròn hay bầu dục, có các mụn nước và vảy da ở rìa tổn thương, phía ngoài viền da thường đậm hơn vùng da bên trong. Nấm da gây ngứa nhiều, xét nghiệm có thể tìm thấy sợi nấm.
Săng giang mai: tổn thương là một vết trợt nông, nền cứng, không ngứa, không đau, thường gặp ở vùng hậu môn sinh dục. Xuất hiện hạch bẹn to, thường có hạch chúa.
Xem thêm: Điều trị viêm da cơ địa theo hướng dẫn của Bộ Y tế
IV. Những biến chứng có thể gặp của bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ khi không được xử lý kịp thời và chăm sóc đúng cách có thể gây nên một số biến chứng như:
  • Chàm hoá: người bệnh ngứa, gãi nhiều có thể gây chàm hoá, xuất hiện các mụn nước tập trung thành từng đám.
  • Bội nhiễm: xuất hiện các mụn nước xen kẽ các mụn mủ, có thể phù nề và loét.
  • Lichen hoá: người bệnh gãi nhiều khi ngứa có thể gây dày da, thâm da.
  • Viêm cầu thận cấp: gặp phải trong trường hợp trẻ bị ghẻ bội nhiễm, bệnh tái phát nhiều lần do không được điều trị hoặc điều trị không khỏi.

V. Điều trị bệnh ghẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế
1. Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh ghẻ
  • Khi phát hiện bị ghẻ, cần điều trị cho tất cả mọi người trong gia đình, tập thể hay nhà trẻ... vì ghẻ vốn dĩ rất dễ lây lan.
  • Nên tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục với những người bệnh trên 18 tuổi.
  • Giặt sạch, phơi khô, là kĩ các tư trang cá nhân như quần áo, chăn màn đệm, vỏ gối, đồ dùng…

2. Sử dụng thuốc bôi tại chỗ
Có nhiều thuốc bôi tại chỗ thường được sử dụng trong điều trị bệnh ghẻ như Gamma benzen 1%, Permethrin 5%, Benzoat benzyl 25%, Diethylphtalat (DEP).
Ngoài ra còn một số thuốc khác như:
  • Mỡ lưu huỳnh 5-10%: Dùng được cho cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi. Ngoài ra có thể dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Sở dĩ như vậy là do mỡ lưu huỳnh rất an toàn, không gây độc cho người bệnh. Tuy nhiên, thuốc lại có một nhược điểm là có mùi hôi khó chịu.
  • Crotaminton 10%
  • Có thể dùng vỏ cây ba chạc đen đun nước tắm hoặc dùng dầu hạt máu chó.

Khi bôi thuốc cần lưu ý các nguyên tắc sau:
  • Tắm sạch bằng xà phòng: nên chà xát xà phòng vào vết ghẻ và rửa sạch, lau khô trước khi bôi thuốc.
  • Tốt nhất nên bôi thuốc ngày một lần vào buổi tối.
  • Giặt sạch, phơi khô các đồ dùng cá nhân như chăn màn, quần áo, khăn tắm, khăn mặt,…

Đối với trường hợp ghẻ bị bội nhiễm, dùng milian hoặc castellani. Nếu có hiện tượng chàm hóa, dùng hồ nước hoặc kem chứa corticoid bôi trong khoảng 1-2 tuần. Trong trường hợp bị ghẻ Na Uy, cần tắm, ngâm mềm vết ghẻ, sau đó bôi mỡ salicylic để bong sừng rồi mới bôi thuốc diệt ghẻ.
3. Điều trị ghẻ bằng các thuốc đường toàn thân
Trong một số trường hợp, điều trị ghẻ cần sử dụng một số thuốc đường toàn thân như:
  • Uống kháng histamin tổng hợp: giảm triệu chứng ngứa.
  • Ivermectin liều 200µg/kg cân nặng, dùng liều duy nhất. Thuốc chỉ định trong những trường hợp ghẻ kháng trị với các thuốc điều trị cổ điển, ghẻ Na Uy, ghẻ ở người nhiễm HIV. Tuy nhiên, chống chỉ định cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai.

VI. Cách phòng bệnh ghẻ hiệu quả

Để đề phòng bệnh ghẻ, cần lưu ý:
  • Vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ.
  • Điều trị bệnh sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung đồ cá nhân với người bị bệnh.

Để được các chuyên gia da liễu tư vấn và giải đáp thắc mắc về cách xử lý bệnh ghẻ, vui lòng liên hệ HOTLINE:*1900 9482 (trong giờ hành chính) hoặc 0964619482 (ngoài giờ hành chính).

Theo Viendalieu.com.vn tổng hợp

Bài viết khác cùng Box :